Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Moody's dự báo đồng nội tệ của Nga sẽ mất giá 30%

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa "dạo qua" một loạt hệ thống ngân hàng và định chế tài chính của Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và chỉ ra những nguy cơ của kinh tế nước này.


                         <<  Ngân hàng habubank phát triển mạnh  >>



Hiện tại khoảng 1/4 tổng dư nợ của CIS có liên quan chặt chẽ đến EU. Với diễn biến EU vỡ nợ diện rộng như hiện nay sẽ ảnh hướng đến tỉ lệ dự trữ/vốn của toàn bộ hệ thống ngân hàng tại đây, tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ giảm xuống còn 3,5% trong vòng 1 năm tới, đồng Ruble sẽ đánh mất khoảng 30% giá trị trong bối cảnh giá đồng Euro lao dốc không phanh.
Thặng dư thương mại của Nga cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do dầu khí - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này được chính phủ đưa vào vòng kiểm tỏa theo quan điểm độc đoán, biệt lập và bài ngoại.
Quý II năm nay, hiện tượng chảy máu vốn của kinh tế Nga cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi con số đã là 22 tỷ USD, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương năm phát sinh đại khủng hoảng 2008.
Lẽ dĩ nhiên, chính phủ Nga một mực phủ định khả năng xảy ra khủng hoảng tại đây cũng như việc đồng Ruble mất giá. Tuy nhiên nếu ai theo dõi lịch sử hẳn vẫn còn nhớ vào năm 1998 khi khủng hoảng tài chính châu Á lan đến Nga, nhà chức trách nước này cũng trấn an người dân về nguy cơ đồng nội tệ mất giá. Trên thực tế trong vòng 5 năm sau đó nước Nga chìm trong lạm phát.
Thời điểm này, tổng thống Putin cần có những cân nhắc nghiêm túc về cán cân chi tiêu của chính phủ nếu không muốn đi vào bánh xe đổ của châu Âu, bởi Nga đã dồn quá nhiều tiền đầu tư cho quân đội và trợ cấp xã hội, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 10 năm ngoái nhằm giữ lời hứa với nhân dân.
Một điểm rất đáng lưu ý là chính phủ Nga vừa thông qua một gói vay nợ quốc gia trị giá 2 tỷ USD với mức lãi suất giật mình 9,25%/năm, bởi thậm chí cả “chúa chổm nam Âu” là Tây Ban Nha cũng không bị ép lãi suất đến vậy, chỉ 7%/năm.
Kể từ ngày 22/8 tới, Nga sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO. Sự kiện nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới phải chấp nhận bước vào sân chơi chung sau 18 năm dai dẳng đàm phán thỏa thuận, đúng vào lúc kinh tế thế giới đồng loạt lao dốc trong đó có cả Nga, minh chứng một điều, rằng Nga không còn dám một mình đối đầu cả thế giới như trước.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Lãi suất có thể giảm thêm 2%

 
Quan sát thị trường tài chính vài tuần qua, các chuyên gia kinh tế và tổ chức tài chính cho rằng đang có tín hiệu của một đợt giảm lãi suất tiếp theo, mức độ giảm sẽ không còn mạnh như nửa đầu năm 2012.

                         <<  Ngân hàng habubank phát triển mạnh  >>

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, Ngân hàng  (NH) Standard Chartered nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất trong quý III/2012, kéo theo lãi suất cơ bản giảm xuống 9% vào cuối năm 2012. NH HSBC và JPMorgan Chase cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ giảm lãi suất thêm 2%.

Giảm nhưng thận trọng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Lạm phát đã thấp xa so với chỉ tiêu đặt ra (dự báo lạm phát cả năm thấp nhất là 4,6%, cao nhất 6%) đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. “Vấn đề nóng nhất hiện nay là tiếp tục hạ lãi suất hay dừng lại ở mức trần 11% như hiện nay” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam đã có thời gian dài duy trì lãi suất nội tệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Cụ thể là trần lãi suất huy động nội tệ là 14% (thực tế còn cao hơn) trong khi lãi suất huy động ngoại tệ chỉ 2%/năm. Sự chênh lệch rất lớn này khiến doanh nghiệp, dân cư và NH thương mại chuyển trạng thái tài sản, bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ. Trong quý IV/2011, nhiều NH thương mại duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Cùng với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu, NH Nhà nước (NHNN) đã có điều kiện tăng mạnh dự trữ ngoại hối.

Dư địa giảm lãi suất vẫn còn, giả sử giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm, lãi suất ngoại tệ vẫn là 2% ứng với kịch bản lạm phát cả năm 5% thì dư địa giảm lãi suất là 3%. Nếu tính theo lạm phát ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2%. Tuy nhiên, dư địa này khá mong manh vì giảm thêm 1% lãi suất có thể không có dịch chuyển lớn nhưng vẫn phải thận trọng vì khi đó, ngân hàng thương mại có thể dễ chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ. Còn lãi suất giảm xuống 8%/năm, rất có thể người dân sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ. Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là không còn rõ xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang nội tệ nữa, thay vào đó là trạng thái giằng co hoặc hình thành xu hướng ngược lại. Do đó, NHNN sẽ rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.

Nợ xấu ngáng đường tăng trưởng

Để cứu doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đang ép lãi suất cho vay xuống mặt bằng 15%, duy trì trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp hành chính, chưa thể cải thiện được tình trạng suy kiệt tín dụng đang diễn ra trong 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nợ xấu. Tổng nợ xấu của cả hệ thống NH đã lên đến 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Nếu Chính phủ không vào cuộc mà để NH tự xử lý mỗi năm chỉ giải quyết được nhiều nhất là 2% và như vậy cần 4-5 năm mới giải quyết xong nợ xấu. Trong thời gian này, các NH thương mại sẽ không tăng tín dụng hoặc kiểm soát rất nghiêm ngặt tín dụng mới, duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp nợ xấu mà họ phải gánh. Như vậy sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất, khó tăng trưởng kinh tế.


Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, muốn tăng trưởng cần phải khơi thông tín dụng mà giải pháp quan trọng để luồng tiền không tắc nghẽn là quyết liệt xử lý nợ xấu và đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu nới tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng sau khi đã siết quá mạnh thì rất dễ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ lạm phát cao, tạo ra những cú sốc như đã từng xảy ra. Các chuyên gia tính toán nếu đẩy tín dụng ra thật mạnh, khoảng 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm thì GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5,5% - 5,6%, lạm phát (sẽ diễn ra 5 tháng sau đó) sẽ ở mức 1% - 2%/tháng và lạm phát cao sẽ bùng trở lại như năm 2011.

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Ngân hàng nhỏ chần chừ giảm lãi suất về 15%/năm

Sau hai ngày thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng lớn đã đồng loạt đưa lãi suất về 15%/năm, trong khi nhiều ngân hàng nhỏ chần chừ... 



                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>
 

Ngân hàng lớn đồng loạt giảm
Chiều qua, trao đổi với phóng viên, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank, nói: Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của NHNN, Eximbank chỉ đạo toàn hệ thống tự động giảm lãi suất những khoản vay cũ về mức 15%/năm và thông báo cho từng khách hàng biết.


Việc áp dụng này được tiến hành đồng loạt đối với tất cả khách hàng, không phân biệt cá nhân hay tổ chức.


Ông Nguyễn Danh Vỹ, Phó phòng khách hàng doanh nghiệp 2, HDBank, cho biết: HDBank cũng chỉ đạo toàn hệ thống đưa lãi suất các khoản vay cũ xuống mức 15%/năm, không phân loại khách hàng vay.


Việc hạ lãi suất không gặp vướng mắc, chỉ mất một thời gian ra thông báo cho khách hàng biết. Do các điều khoản vay vốn trong hợp đồng không đổi, nên khách hàng cũng không phải tới ký lại hợp đồng.


Trước đó, 4 ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank chỉ đạo toàn hệ thống giảm lãi suất về 15%/năm, với tất cả khách hàng. BIDV sẽ rà soát lại toàn bộ dư nợ các khoản vay đang có mức lãi suất cao hơn 15%/năm và giảm về mức 15%/năm kể từ ngày 15-7. Với khoản vay mới, BIDV áp dụng lãi suất không quá 15%/năm.


Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Chi nhánh Agribank Cầu Giấy Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đã giảm lãi suất về 15%/năm theo đúng chỉ đạo của hội sở.


Ngân hàng nhỏ chần chừ
Một số chi nhánh ngân hàng lấy lý do phải có thời gian rà soát, để tiếp tục câu giờ, chưa thực hiện ngay. Từ 12-7, hội sở Ngân hàng Kiên Long có Chỉ thị 626 gửi xuống các chi nhánh để triển khai việc hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm.

Nhưng điều kiện để thực hiện hỗ trợ lãi suất, trong đó có giảm lãi khoản vay cũ chỉ được thực hiện "trên cơ sở năng lực tài chính của các đơn vị, lập danh sách trình lên hội sở?".


Bà Võ Thị Phấn, Giám đốc chi nhánh Kiên Long Bank Hải Phòng, nói rằng chi nhánh này đã triển khai chỉ đạo trên từ ngày 13-7.


Tuy nhiên, chi nhánh mới chỉ đang rà soát các khoản vay cũ, nhưng do có hàng trăm khách hàng, chưa rà soát hết ngay được. Do vậy, cứ đến kỳ hạn nộp lãi suất, ngân hàng mới tự động điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng.


Một cán bộ chi nhánh ngân hàng Sacombank Hải Phòng cho biết, chi nhánh này chưa triển khai ngay việc giảm lãi suất do "hội sở vẫn chưa thống nhất mức giảm lãi".


Chưa kể, muốn giảm thì phải rà soát, đánh giá lại các khoản vay cũ, tính toán mức giảm lãi suất…
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Cty TNHH TM&CB Thực phẩm Phú An Sinh, nói: “Sáng 16-7, tôi có hỏi về việc hạ lãi suất khoản vay cũ tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), nhưng được trả lời chưa có gì mới, vẫn còn trình và đang chờ lãnh đạo ngân hàng duyệt nên chưa có gì chính thức”.


Ông Minh đang vay vốn của VIB với lãi suất 18,5%. Ông Minh cho biết, trước đây, để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, ông vay của Navibank 13 tỷ đồng với lãi suất 18%.


Ngay khi nghe thông tin NHNN giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm, ông đã liên hệ nhưng ngân hàng này nói chưa triển khai cụ thể. Cho đến ngày 16-7 vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía ngân hàng.


Ông Minh cũng đến hỏi vay vốn tại ABBank để vay mới nhưng tại đây cho biết là lãi suất 17,5%, mặc dù doanh nghiệp (DN) của ông thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi.


Theo Giám đốc Chi nhánh Agribank Cầu Giấy Nguyễn Văn Tuấn, việc các ngân hàng phải giảm lãi suất là đương nhiên, vì nếu không, cả hai cùng chết.


Lãi suất cao, khách hàng không trả được lãi thì dù có treo lãi cao cũng chẳng tác dụng, chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng nợ xấu. "Hiện lãi suất thấp nhất chúng tôi áp dụng là 13%/năm (dành cho các lĩnh vực ưu tiên), nhưng cũng rất ít khách hàng vay được. Vì điều kiện vay không hề thay đổi. Khách hàng triển khai dự án vẫn phải có vốn đối ứng, tài sản thế chấp...


Các khách hàng cũ hầu như không đáp ứng được điều kiện này. Với điều kiện vay vốn như hiện nay, chỉ những khách hàng mới ra làm ăn, chưa vay mượn gì mới có tài sản và vốn đối ứng, để có thể vay", ông Tuấn nói.


Theo ông Tuấn, để DN có thể tiếp cận vốn, nên thay đổi điều kiện vay linh hoạt hơn. Còn nếu để như hiện nay vẫn sẽ tắc.


Vì không lãnh đạo ngân hàng nào dám cho DN không đủ điều kiện vay vốn, dù dự án của họ khả thi. Vì nếu gặp rủi ro, lãnh đạo ngân hàng có thể bị truy cứu hình sự.